Chiến tranh đã lùi xa, sự cống hiến hi sinh của các anh hùng liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến to lớn bao nhiêu thì nỗi đau và hi sinh thầm lặng của những người mẹ ở hậu phương cũng lớn lao bấy nhiêu, như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
"Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng Bầm
Con đi đánh giặc 10 năm
Chưa bằng khó nhọc đời Bầm 60"
Bạn Đoàn Hằng – Đoàn viên xã Phúc Lộc chia sẻ: Mỗi mùa 27/7 về, những người trẻ xã Phúc Lộc lại lặng lòng trước hình ảnh các Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Mẹ đã hy sinh cả tuổi xuân, gia đình để đất nước được hòa bình, để thế hệ trẻ có ngày hôm nay. Mẹ không kể công. Mẹ chỉ lặng lẽ sống với ký ức, với di ảnh con mình… nhưng trong tim mỗi người dân Việt, Mẹ mãi là anh hùng.
Tuổi trẻ Phúc Lộc luôn biết ơn những hy sinh ấy – không chỉ bằng lời nói, mà bằng hành động: sống tử tế hơn, trách nhiệm hơn, và luôn "uống nước nhớ nguồn"; Sẽ tiếp bước cha anh, viết tiếp những trang đẹp của quê hương, bằng chính trái tim đầy nhiệt huyết và biết ơn.
Đất nước hòa bình nhưng những đau thương, những mất mát lớn lao vẫn còn đọng lại trong tâm trí của mỗi người chúng ta nhất là với các Mẹ Việt Nam anh hùng. Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và làm nhiệm vụ quốc tế, đã có biết bao người con ưu tú của quê hương Phúc Lộc ngã xuống nơi chiến trường. Và từ trong đau thương ấy, nhiều người mẹ đã nén chặt nỗi mất mát riêng để cống hiến cho Tổ quốc những người thân yêu nhất của mình.
Hình ảnh Mẹ VNAH Doãn Thị Bé - thôn Bãi Cháy, xã Phúc Lộc
Mẹ Việt Nam anh hùng Doãn Thị Bé ở thôn Bãi Cháy xã Phúc Lộc, năm nay đã 103 tuổi, mắt đã mờ, chân đã chậm và cũng không còn được minh mẫn, thế nhưng lòng Mẹ vẫn luôn đau đáu về người con trai cả đã anh dũng hi sinh vì hòa bình thống nhất đất nước. Mỗi khi nhớ đến con trai, Mẹ thường lấy tấm bằng Tổ quốc ghi công có tên của con mình trên đó, trầm ngâm, ngắm nghía thật lâu như một kỷ vật.
Năm 1969, anh Nguyễn Minh Tân – người con trai cả của Mẹ Bé hăng hái tham gia nhập ngũ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1970 anh hi sinh tại chiến trường miền Nam ở độ tuổi 19. Cho đến nay, Mẹ vẫn chưa đón được con trai trở về với quê hương, thân thể của anh đã hòa vào sông núi, vẫn ở đâu đó trên mảnh đất hình chữ S này. Cuộc chia ly của Mẹ cho đến giờ, khi Mẹ đã 103 tuổi vẫn chưa hẹn ngày hội ngộ.
Hình ảnh Mẹ VNAH Nguyễn Thị Năm - thôn Nam Võng Ngoại, xã Phúc Lộc
Trên bàn thờ trong căn nhà nhỏ của Mẹ Nguyễn Thị Năm ở thôn Nam Võng Ngoại xã Phúc Lộc có di ảnh của 2 Quân nhân, 1 là người em trai Nguyễn Văn Nhiễu sinh năm 1952, 2 là người con trai duy nhất Tạ Văn Hảo sinh năm 1950; các anh cùng nhập ngũ năm 1971 vào Nam đánh giặc Mỹ. Cho đến khi non sông đã liền một mối, Bắc Nam sum họp một nhà, những chàng trai ra trận giờ được trở về với quê hương còn những người đã hi sinh thì theo từng tờ giấy báo tử trở về. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, cầm tờ giấy trong tay, Mẹ Năm không còn biet gì nữa, chỉ có tiếng khóc xé lòng của người Mẹ - người Chị. Kể từ đó, hơn 50 năm đã qua đi, giờ đây Mẹ Năm đã bước sang tuổi 98, hai mắt đã dần không còn nhìn rõ nữa nhưng hài cốt của người em trai vẫn chưa thể trở về quê hương.
Tuổi trẻ hôm nay, có thể không tận mắt chứng kiến những đau thương mất mát trong chiến tranh nhưng họ hiểu rằng giá trị của cuộc sống hôm nay là sự hi sinh của cả một lớp người đi trước, là sự hi sinh của những người Mẹ VNAH.
Đồng chí Nguyễn Thúy Châm – Phó Chủ tịch UBMTTQ, Bí thư Đoàn Thanh niên xã chia sẻ: Tuổi trẻ xã nhà luôn biết ơn sâu sắc và sự tri ân chân thành tới các Mẹ Việt Nam anh hùng và sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông, tiếp tục học tập, rèn luyện, tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng, xây dựng quê hương Phúc Lộc ngày càng phát triển, văn minh và giàu đẹp.
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7, Đoàn Thanh niên xã đã và đang tổ chức rất nhiều hoạt động tri ân như lễ thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn toàn xã, thăm tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đặc biệt là chương trình bữa cơm cùng Mẹ Việt Nam anh hùng.
Chiến tranh đã qua đi mấy mươi năm, mà dư âm của nửa thế kỷ máu và hoa còn âm vang bao kỳ tích, đau thương mất mát còn trải dài sông núi, len lỏi âm thầm trong mỗi gia đình, quặn buốt nỗi lòng của Mẹ.
Ngày hôm nay, khi Phúc Lộc đổi mới từng ngày, cuộc sống người dân ngày càng khởi sắc, thì sự tri ân đối với các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng càng được xã hội và các thế hệ hôm nay gìn giữ. Đó là đạo lý "uống nước nhớ nguồn", là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của quê hương đối với những người đã hy sinh tất cả vì độc lập – tự do.
Nguồn: Vân Anh, ảnh: Quỳnh Hoa.